CẤU TRÚC BÀI THI NÓI
Có thể chia bài thi nói thành 4 phần:
- Phần 0 (không chấm điểm): trong phần này, giám khảo thường hỏi tên họ, yêu cầu cho xem hộ chiếu, CMND, hay CCCD của thí sinh, và giải thích ngắn gọn về bài thi. Mặc dù phần này không chấm điểm, nhưng giám khảo thường hình thành ý kiến của họ về thí sinh ngay trong phần này qua các câu trả lời ngắn của thí sinh.
- Phần 1 - Giới thiệu và các câu hỏi chung (Introductions and general questions 4-5 minutes): Giám khảo sẽ hỏi thí sinh một số câu hỏi ngắn về các đề tài thông dụng như quê nhà (home town) của thí sinh, việc học tập hoặc công việc của thí sinh, các việc thí sinh làm lúc rảnh rỗi v.v....
- Phần 2 - Bài nói dài (Individual long run - 3-4 minutes): giám khảo sẽ cho bạn một thẻ giấy, trong đó có ghi một số gợi ý về chủ đề của bài nói. Bạn được cung cấp 1 cây bút chì và một tờ giấy đề chuẩn bị câu trả lời. Bạn có một phút để chuẩn bị, và sau đó trình bày liên tục câu trả lời của mình trong vòng 2 phút. Giám khảo có thể ra dấu cho bạn để dừng lại nếu bạn nói dài hơn 2 phút. Sau đó, giám khảo sẽ hỏi bạn một hoặc hai câu hỏi theo sau liên quan đến phần trả lời của bạn.
- Phần 3 - Thảo luận 2 chiều (Two-way discussion - 4-5 minutes): Giám khảo hỏi bạn một số câu hỏi liên quan đến chủ đề bạn vừa trình bày trong phần 2 để đưa bạn vào một cuộc thảo luận 2 chiều.
CÁC TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ
Cần lưu ý rằng phần thi nói trong bài thi IELTS không phải là bài thi về kiến thức hay trắc nghiệm chỉ số thông minh. Nó là bài thi về kỹ năng năng giao tiếp bằng lời nói. Giám khảo không đánh giá bạn qua độ chính xác về nội dung trong câu trả lời của bạn. Ví dụ, nếu họ hỏi bạn có hay đọc sách không, giám khảo không đánh giá bạn qua việc bạn có đọc sách hay không đọc sách. Họ chỉ đánh giá bạn qua cách trả lời của bạn. Cụ thể họ sẽ đánh giá câu trả lời của bạn theo các tiêu chí dưới đây:
- Độ lưu loát và mạch lạc (Fluency and coherence):
- Độ lưu loát chỉ khả năng trình bày một cách trôi chảy, không ngắt quãng (pause) ý kiến của bạn. Cần phân biệt 2 loại ngắt quãng: ngắt quãng liên quan đến nội dung và ngắt quãng do khả năng ngôn ngữ. Ngắt quãng liên quan đến nội dung là khi bạn gặp một câu hỏi bất ngờ, bạn chưa có câu trả lời ngay lập tức. Khi gặp tình huống này bạn nên nói các câu đại loại như: Ồ, đó là một câu hỏi khó, để tôi nghĩ về nó (Oh, it's a tough question. Let me think about it) Các câu nói như thế sẽ giúp bạn có thêm chút thời gian để tìm câu trả lời phù hợp. Bạn sẽ không bị trừ điểm cho các loại ngắt quãng này nếu nó không quá thường xuyên (không làm ảnh hưởng đến mạch giao tiếp thông thường) và được xử lý khéo léo. Loại ngắt quãng thứ hai là ngắt quãng do do khả năng ngôn ngữ. Bạn không nói trôi chảy được vì bạn phải suy nghĩ để tìm từ vựng, chọn cấu trúc ngữ pháp phù hợp, v.v... Bạn sẽ bị trừ điểm cho loại ngắt quãng này.
- Độ mạch lạc: chỉ sự tổ chức và trình bày các ý tưởng trong câu trả lời một cách rõ ràng. Ví dụ, khi nói về các điểm bạn thích và không thích về nơi ở của bạn. Bạn có thể bắt đầu với những điểm bạn thích. Hãy nói hết về các điểm đó. Sau đó, bạn chuyển sang những điểm không thích, thay vì nói lẫn lộn những điểm thích và không thích trong cùng một mạch nói. Hãy nhớ dùng các nhóm từ chuyển ý (sign posting) một cách phù hợp (không lạm dụng) để báo cho người nghe biết bắt đang chuẩn bị chuyển sang một nội dung khác.
- Vốn từ vựng (Lexical resources): tiêu chí thứ hai giám khảo đánh giá bạn là về lượng từ vựng và độ chính xác về cách dùng trong các câu trả lời của bạn.
- Phạm vi và độ chính xác về ngữ pháp (Grammartical range and accuracy): các giám khảo cũng sẽ đánh giá khả năng sử dụng chính xác các cấu trúc ngữ pháp của thí sinh qua các câu trả lời của họ.
- Phát âm (Pronunciation): khả năng phát âm rõ ràng, chính xác, đúng ngữ điệu các từ vựng để người nghe có thể hiểu đúng ý mình muốn trình bày. Lưu ý, giám khảo không đánh giá bạn qua "giọng" (accent) tiếng Anh của bạn. Bạn có thể nói theo giọng Mỹ, giọng Anh, giọng Úc, hay giọng Việt Nam nhưng phải phát âm rõ ràng, chính xác và đúng ngữ điệu.
CÁC DẢI ĐIỂM TRONG KỸ NĂNG NÓI
Điểm | Hạng | Mô tả |
9 | Chuyên gia | Có khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách trọn vẹn: phù hợp, chính xác và trôi chảy với toàn bộ sự hiểu biết. |
8 | Người dùng rất giỏi | Có khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách trọn vẹn, thỉnh thoảng có một vài lỗi không chính xác và không phù hợp, nhưng không mang tính hệ thống: Có thể có hiểu lầm trong một vài tình huống không quen thuộc. Có khả năng xử lý tốt những lập luận chi tiết, phức tạp. |
7 | Người dùng giỏi | Có khả năng sử dụng ngôn ngữ, mặc dù đôi khi còn có những điểm không chính xác, không phù hợp, và hiểu lầm trong một số tình huống. Nhìn chung có khả năng xử lý tốt ngôn ngữ phức tạp và có khả năng hiểu các lập luận chi tiết. |
6 | Người dùng có năng lực | Nhìn chung có khả năng sử dụng ngôn ngữ, mặc dù còn có những điểm không chính xác, không phù hợp và hiểu lầm. Có thể sử dụng và hiểu những ngôn ngữ khá phức tạp, đặc biệt là trong những tình huống quen thuộc. |
5 | Người dùng khiêm tốn | Có khả năng sử dụng một phần ngôn ngữ, có thể xoay sở để hiểu được nghĩa khái quát trong hầu hết các trường hợp, mặc dù vậy, người dùng có khả năng sẽ bị sai nhiều chỗ. Có khả năng xử lý các giao tiếp cơ bản trong lĩnh vực của họ. |
4 | Người dùng hạn chế | Năng lực sử dụng cơ bản bị hạn chế trong những tình huống quen thuộc. Thường xuyên có vấn đề trong việc hiểu và biểu đạt, không có khả năng sử dụng ngôn ngữ phức tạp. |
3 | Người dùng cực hạn chế | Chỉ có khả năng truyền đạt và hiểu nghĩa khái quát trong những tình huống rất quen thuộc. Thường xuyên bị ngắt quãng trong quá trình giao tiếp. |
2 | Người dùng không ổn định | Không thể giao tiếp thực sự ngoài trừ những thông tin cơ bản nhất bằng cách sử dụng những từ riêng biệt hay các công thức ngắn trong những tình huống quen thuộc và để giải quyết những nhu cầu cấp bách. Gặp khó khăn lớn trong việc hiểu tiếng Anh bằng văn bản hay lời nói. |
1 | Không có khả năng sử dụng | Không có khả năng sử dụng tiếng Anh ngoài vài từ độc lập. |
0 | Chưa làm bài thi | Không có thông tin để đánh giá. |
PHƯƠNG PHÁP LUYỆN TẬP
Để có thể đạt dải điểm mong muốn, các bạn cần có phương pháp luyện tập thích hợp. Như các bạn đã biết, trong giao tiếp thông thường bằng tiếng mẹ đẻ, chúng ta hiếm khi phải dừng lại để chọn cấu trúc ngữ pháp hay từ vựng thích hợp. Đặc biệt là khi chúng ta đang thi, môi trường và bầu không khí của kỳ thi làm chúng ta căng thẳng và không nhớ được tất cả những quy tắc ngữ pháp hay "từ vựng siêu việt" mà chúng ta đã học trước đó.
Do đó, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi này, bạn cần luyện tập đúng cách và đủ thường xuyên để việc sử dụng ngôn ngữ trở thành "bản năng thứ hai" của bạn. Hãy tưởng tượng khi lần đầu học cách chạy xe đạp. Bạn phải cố gắng nghiêng qua nghiêng lại để cho khỏi ngã. Bạn cũng đã bị ngã vài hoặc nhiều lần. Sau đó, cơ thể bạn sẽ thích ứng và giúp bạn có thể chạy xe đạp một cách tự nhiên mà không cần phải tập trung hay suy nghĩ nhiều về việc phải làm thế nào để giữ thăng bằng.
Học ngôn ngữ cũng vậy. Bạn không thể mở rộng vốn từ bằng cách mua một quyển sách có rất nhiều "từ vựng cao cấp" và chỉ đơn thuần là đọc nó. Bạn sẽ không có khả năng sử dụng những từ đó nếu bạn không thực sự sử dụng nó đủ nhiều, đúng cách, đúng tình huống. Tương tự như vậy, khi học phát âm một từ hay một câu, bạn không chỉ đơn thuần đọc ký hiệu phát âm của từ đó, hay nghe phát âm từ đó qua ứng dụng từ điển trên máy tính hay điện thoại. Bạn phải thực sự đọc to nó trong những câu có ngữ cảnh cụ thể. Không phải một lần mà nhiều lần cho đến khi bạn có thể đọc nó một cách tức thì khi được yêu cầu làm điều đó mà không phải suy nghĩ, cố gắng nhớ lại cách phát âm nó.
Trong các bài viết sau, tôi sẽ lần lượt chia sẽ kỹ hơn về từng tiêu chí đánh giá của bài thi nói và các chiến lược luyện tập để đạt điểm cao trong phần thi này.
0 0
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để bình luận. Bình luận của bạn có thể được biên tập lại trước khi hiển thị.
Chiều dài tối thiểu: 3 từ; Liên kết hoặc các ký tự đặc biệt sẽ tự động bị xoá khỏi bình luận. Gửi